Phòng trị bệnh nấm trắng mình trên cá trê giống

Hiện nay, ở miền Nam đang vào thời điểm mùa mưa, với diễn biến thất thường của nhiệt độ sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh nấm trắng trên cá trê giống phát triển mạnh.

Nguyên nhân

Bệnh xuất hiện khi thời tiết thay đổi đột ngột nắng nóng chuyển sang mưa và ngược lại khiến mầm bệnh phát triển nhanh, hoặc do nhiệt độ quá cao hay quá thấp.

Vi khuẩn, trùng bánh xe cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Đáy ao tích tụ nhiều khí độc, mùn bã nhiều. Trường hợp ao cũ đã nuôi nhiều vụ nhưng trong quá trình cải tạo không xử lý đáy kỹ khiến vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển và gây hại.

Cần cải tạo, phơi đáy ao kỹ để diệt mầm bệnh. Ảnh: ST

Các chỉ số môi trường tăng cao như pH, NH3, NO2.

Nước ao bị bẩn, tảo nhiều khiến cho vi khuẩn và ký sinh trùng phát triển gây bệnh.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày có thể khiến bệnh phát triển.

Đặc điểm

Bệnh thường xuất hiện giai đoạn cá trê được 10 – 20 ngày tuổi, nặng nhất là thời điểm 10 – 15 ngày, đặc biệt ở ngày 15 có thể hao hụt hết toàn bộ cá trong ao nếu mức độ nhiễm bệnh nặng. Thông thường, tỷ lệ hao hụt khoảng 70 – 80%.

Quá trình bệnh diễn ra ngắn, thời gian cá bắt đầu phát bệnh và chết diễn ra trong vòng 2 – 3 ngày.

Bệnh thường xảy ra trên tất cả các ao ương nuôi cá giống.

tre

Dấu hiệu

Cá bơi thẳng đứng, màu sắc cá nhợt nhạt, trên thân xuất hiện đốm trắng. Một số con nặng bị lở đầu, tập trung lại 1 góc. Cá nhiễm bệnh khả năng chết cao.

Đây là bệnh gây tỷ lệ chết cao trên cá trê giống.

Điều trị bệnh

Nâng mực nước trong ao thêm 20 – 30 cm.

Sử dụng Chlorine để xử lý nước với liều lượng 1 kg/2.500 m3 nước.

Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn, có thể sử dụng Tetra max với liều lượng 100 g/3 kg thức ăn bột, pha loãng với nước tạt đều ao 3 ngày liên tục

Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước sau đó cấy vi sinh + khoáng để cải thiện chất lượng nước, ổn định môi trường.

Biện pháp phòng bệnh

Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trong đó, cần cải tạo, phơi đáy ao kỹ để diệt mầm bệnh.

Nguồn nước cấp vào ao phải sạch không được ô nhiễm, cống cấp nước có túi lọc bằng lưới mịn nhằm ngăn chặn địch hại và cá tạp. Nước cấp vào ao ương nuôi chỉ nên trước khi thả cá bột khoảng 3 – 5 ngày nhằm hạn chế các động vật lưỡng thê như ếch nhái đẻ trong ao sớm.

Chọn nơi mua giống cá bột phải đảm bảo chất lượng, thời gian vận chuyển về đến ao nuôi ngắn nhất không nên lâu hơn 10 giờ vận chuyển. Kỹ thuật vận chuyển phải đảm bảo.

Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Thời tiết mưa, lạnh nên thả vào gần trưa ấm áp. Cá mới mua về cần để cá có thời gian quen dần với nước ao, bằng cách té nước ao vào thùng, chậu đựng cá giống hoặc ngâm cả túi cá xuống ao 15 phút để cho nhiệt độ trong túi và nước ao cân bằng nhau, rồi thả cá ra ao.

Ương nuôi cá với mật độ thích hợp. Trong quá trình ương nuôi cần theo dõi sự tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chu kỳ điều chỉnh thức ăn là 10 ngày/lần. Cứ 10 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá 1 lần trên cơ sở đó ước tính được khối lượng cá trong ao.

Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, tình trạnh sức khỏe. Định kỳ bón vôi liều lượng 20 – 30 kg/1.000 m2, xử lý nước bằng men vi sinh 7 – 10 ngày/lần nhằm cải thiện môi trường nước, bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa trộn vào thức ăn.

Chuẩn bị nguồn nước để thay nước ao: nguồn nước không bị ô nhiễm, nước ao chứa phải được xử lý diệt mầm bệnh bằng thuốc tím hoặc sunphat đồng với nồng độ 0,5 – 1 ppm.

Thường xuyên kiểm tra bờ ao và xua đuổi địch hại. Thời điểm cá được 10 ngày tuổi, buổi tối vào lúc 20 – 21 giờ cần đi kiểm tra xung quanh bờ ao, nếu thấy cá có hiệu tượng bơi lội thẳng đứng xung quanh bờ thì ao đang bị nhiễm bệnh, cần có biện pháp xử lý ngay để hạn chế thiệt hại.

 

Lê Loan

Kết quả bước đầu thăm dò sinh sản cá trê trắng (Clarias batrachus Linnaeus, 1758)

Cá trê trắng được thu thập từ tự nhiên tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang và tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ. Cá có khối lượng trung bình 600,6 ±185,9 g/con, được thuần dưỡng và nuôi trong bể có giá thể là đất và ống nhựa PVC. Sau ba tháng nuôi bằng thức ăn viên công nghiệp 40% đạm, khẩu phần ăn 2% khối lượng thân, tỷ lệ thành thục của cá cái đạt 11,4 ± 3,4%. Cá được thăm dò sinh sản nhân tạo bằng não thùy thể cá chép + LHRHa + Dom và HCG theo 4 nghiệm thức (Bảng 1). Riêng cá đực, liều tiêm kích thích sinh sản bằng 1/3 liều tiêm của cá cái và được mổ để lấy tinh, thụ tinh nhân tạo.

Kết quả cho thấy, (NT1) 2 mg não thùy thể cá chép + 150 µg LHRHa + 15 mg DOM và (NT3) HCG liều 3.000 UI/kg cho tỷ lệ rụng trứng cao nhất, đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ tinh đạt 56,1% và tỷ lệ nở đạt 33,3% là cao nhất ở (NT3) HCG liều 3.000 UI/kg cá cái. Kết quả thăm dò này cho thấy kích thích sinh sản cá trê trắng bằng HCG ở liều 3.000 UI/kg cá cái cho hiệu quả tốt nhất và là cơ sở để thực hiệc các nghiên cứu tiếp theo giúp chủ động sản xuất giống nhân tạo loài cá này.

Nguồn: Viện Nghiên cứu NTTS II

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *