Liều lượng loại hóa chất xử lý nước thường dùng

Xử lý nước là bước quan trọng và không thể bỏ qua trong nuôi tôm, giúp loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh như virus, vi khuẩn cho tôm khỏe mạnh, an toàn và nhằm bảo vệ môi trường, bảo toàn nguồn nước sạch cho các mùa vụ tiếp theo.

Tác dụng

Việc sử dụng sản phẩm xử lý nước nhằm các mục đích sau đây:

  • Loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh như virus, vi khuẩn còn sót lại của các vụ nuôi trước trong ao.
  • Xử lý và khử trùng nguồn nước được cấp vào ao nuôi.
  • Tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm hấp thụ nhanh chóng trong giai đoạn đầu, từ đó có thể giảm chi phí thức ăn và tăng lợi nhuận.
  • Hóa chất còn được sử dụng để xử lý nước thải nuôi tôm nhằm bảo vệ môi trường, bảo toàn nguồn nước sạch cho các mùa vụ tiếp theo.

Thiet-ke-chua-co-ten

Lựa chọn hóa chất dễ sử dụng, đơn giản, hiệu quả nhanh. Ảnh: ST

Chlorine

Liều lượng sử dụng Chlorine trong nuôi tôm: Khử trùng thiết bị, bể và dụng cụ: 100 – 200 ppm, từ 100 – 200 kg cho 1.000 m3 nước (trong 30 phút); Khử trùng đáy ao: 50 – 100 ppm, xử lý khi tôm của vụ nuôi trước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Khử trùng nước ao 25 – 35 ppm trong trường hợp sử dụng trực tiếp trong ao nuôi khi chưa có tôm nhưng khi sau xử lý thuốc tím và PAC thì liều dùng Chlorine nên áp dụng linh hoạt từ 5 – 15 ppm (5 – 15 kg/1.000 m3) tùy theo giai đoạn tuổi của tôm.

Một lưu ý để nhận biết Chlorine có hoạt lực tốt và đủ liều là sau khi sử dụng Chlorine nước sẽ càng trong hơn sau xử lý. Trường hợp nước sau xử lý Chlorine bị đục đỏ thì nên xem lại quy trình xử lý và hàm lượng hữu cơ trong nước.

Thuốc tím

Thuốc tím thương mại ở dạng tinh thể hoặc bột. Đối với thuốc tím, phải hòa tan trong nước trước khi sử dụng thì hiệu quả xử lý nước mới tối ưu được. Hiện nay thuốc tím được sử dụng rất rộng rãi trong các mô hình nuôi thay nước 2 giai đoạn và 3 giai đoạn trong quá trính xử lý nước và diệt khuẩn. Trên thực tế hiện nay liều dùng thuốc tím cho xử lý nước trong các ao lắng thường là 3 – 5 ppm ( 3 – 5 kg cho 1.000 m3). Thuốc tím chỉ nên xử lý trong ao lắng trong các mô hình nuôi thay nước để ôxy hóa vật chất hữu cơ, diệt khuẩn trong nước. Thuốc tím là chất ôxy hóa mạnh, vì vậy khi bảo quản cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và tránh nhiệt độ cao. Thuốc tím sau khi pha phải được sử dụng ngay để tránh làm mất hoạt tính của thuốc.

Vôi

Có 4 loại vôi thường được dùng trong nuôi tôm là: Đá vôi (CaCO3), Đá vôi đen/Dolomite (CaMg (CO3)2), Vôi sống (CaO), Vôi tôi (Ca(OH)2). Cách sử dụng vôi trong nuôi tôm tùy vào mục đích và thời điểm của vụ nuôi: Để cải tạo ao sử dụng vôi bột CaCO3 hoặc vôi tôi Ca(OH)2 có thể dùng 8 – 10 kg/100 m2, rải đều khắp bề mặt ao. Nếu ao bị phèn có thể tăng liều lượng. Sử dụng vôi bột CaCO3 khắc phục hiện tượng rửa trôi phèn sau mưa và xì phèn dưới đáy ao. Trong trường hợp này thường dùng vôi bột CaCOvới liều lượng từ 1 – 3 kg/100 m3 nước, hòa với nước để nguội lấy nước trong tạt đều khắp ao. Giảm độ đục của nước, hòa tan chất hữu cơ sử dụng vôi bột CaCO3. Sử dụng 1 – 2 kg pha với 100 m3 nước tạt đều khắp ao, đợi 1 thời gian nước sẽ trong trở lại. Phòng bệnh cho tôm định kỳ sử dụng vôi bột CaCO3 với liều lượng 1 – 2 kg pha cho 100 m3 nước và tạt đều khắp ao.

EDTA

EDTA là một axit hữu cơ mạnh. sử dụng để xử lý kim loại nặng và làm giảm độ cứng của nước trong ương giống hoặc nuôi tôm thương phẩm. Xử lý nước trong trại tôm giống, liều lượng EDTA thường được sử dụng là từ 5 – 10 ppm (5 – 10 kg/1.000 m3). Trong khi xử lý nước trong nuôi tôm thương phẩm, đặc biệt đối với những ao nuôi có độ mặn thấp và đất bị nhiễm phèn thì sử dụng EDTA cao hơn ở liều 2 – 5 kg/1.000 m3 để xử lý trước khi bón vôi để nâng độ kiềm cho ao nuôi. Trong quá trình nuôi có thể sử dụng EDTA với liều thấp hơn 0,5 – 1 ppm (0,5 – 1 kg/1.000 m3).

BKC

Trong nuôi trồng thủy sản BKC thuộc nhóm hóa chất độc đối với vi khuẩn, virus và nấm. Đối với một số ngoại ký sinh, nó hoạt động nhanh hơn so với formaldehyde. Sản phẩm BKC có màu trắng hoặc màu vàng. Hóa chất dạng lỏng và có khả năng tan được trong nước. Liều dùng để cải tạo ao nuôi 3 – 5 ppm (mực nước trong ao khoảng 1 m). Có thể sử dụng biện pháp kiểm soát mầm bệnh ở mức 0,3 – 1 ppm (mực nước trong ao khoảng 1 m). BKC tiêu diệt mầm bệnh trong ao nhưng nó cũng tiêu diệt các sinh vật khác nên dẫn đến thất thoát mầm bệnh. Hóa chất cũng có khả năng tiêu diệt được các bào tử.

Iodine

Giống như Chlorine, Iodine là một chất ôxy hóa mạnh có thể giết chết các sinh vật, vi khuẩn và virus. Tuy nhiên, dung dịch polyvinylpyrolidone iodide 10% có tác dụng diệt khuẩn khi có nhiều chất hữu cơ trong môi trường (không bị bất hoạt). Iodine 9000 có công dụng xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm được sử dụng làm chất khử trùng trong những trại ấp và ao nuôi với liều lượng 1 – 5 g/m3 nước. Xử lý nước ao nuôi tôm: 0,3 – 0,5 mg/L, 2 lần/tuần; Xử lý nước trong ao nuôi cá 0,5 – 1 mg/L; Xử lý nước lúc tôm ốm yếu 0,5 – 1 mg/L, dùng 3 ngày/lần; Sát trùng dụng cụ nuôi thủy sản: ngâm trong Iodine từ 15 – 20 phút, nồng độ 500 mg/L Xử lý bể nuôi thủy sản sau khi thu hoạch: tạt lên thành hồ, phơi nắng 2 – 3 ngày nồng độ 1 mg/L.

Chất trợ lắng PAC

PAC là 1 loại hóa chất mang tính keo tụ, trợ lắng trong quá trình xử lý nước thải, nước nuôi trồng thủy sản… giúp keo tụ chất rắn, chất hữu cơ lơ lửng và làm trong nước. PAC và thuốc tím thường được sử dụng song song trong quá trình xử lý nước ao nuôi tôm mang lại hiệu quả cao. PAC giúp keo tụ, thuốc tím cũng có tính chất đó và diệt khuẩn giúp nguồn nước sạch và trong hơn. PAC thường ở 2 dạng lỏng và bột, nhưng trong nuôi tôm nên sử dụng dạng bột vì tính tiện lợi nhưng dễ bảo quản, sử dụng và pha chế theo liều lượng mình muốn. Dạng bột thường có màu vàng chanh.

Trong quá trình xử lý nước từ 5 -10 ppm (5 – 10 kg/1.000 m3). Liều lượng này tùy thuộc vào chất lượng nước và hàm lượng hữu cơ, phù sa lơ lửng của từng vùng và áp dụng linh hoạt dựa trên thực tế.

> Sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng hóa chất sẽ đưa đến việc để lại dư lượng hóa chất trong cơ thể đối tượng nuôi, hoặc sử dụng hóa chất không hiệu quả. Vì vậy cần tuân thủ các yếu tố sau: Chọn loại hóa chất dễ sử dụng, đơn giản, có hiệu quả; Tác dụng nhanh, hiệu quả kinh tế sau khi sử dụng.

Hoàng Yến

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *