Bình Định: Ban hành Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030

Ngày 14/6/2023, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 2147/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nuôi cá Điêu hồng ( cá nước ngọt) ở hồ Mỹ Thuận, Phù Cát. Ảnh: CCTS

Cụ thể, kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 4.300 ha, thể tích lồng nuôi 95.000 m3. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 20.000 tấn/năm; Chủ động sản xuất, cung ứng 100% con giống các loại thủy sản có khối lượng hàng hóa lớn (tôm thẻ chân trắng, cá rô phi) và 30% các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; Đầu tư, hoàn thiện hạng mục nhà máy chế biến tôm, nhà máy sản xuất thức ăn tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định đạt 20% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản (đối với đối tượng nuôi chủ lực). 

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 4.300 ha, thể tích lồng nuôi 160.000 m3. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.000 tấn/năm; Chủ động sản xuất, cung ứng 100% con giống các loại thủy sản có khối lượng hàng hóa lớn (tôm thẻ chân trắng, cá rô phi) và 50% các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và đưa vào vận hành sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong cung ứng con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm thương phẩm cho cả khu vực tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định đạt 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản (đối với đối tượng nuôi chủ lực). 

Nuôi cá tầm ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh. Ảnh: CCTS 

Kế hoạch thực hiện một số giải pháp trọng tâm như (i) Phát triển sản xuất giống thủy sản; (ii) Phát triển nuôi trồng thủy sản; (iii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; (iv) Phát triển mô hình hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; (v) Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản. 

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với các chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án của các sở, ngành và địa phương có liên quan theo quy định về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định hiện hành.

nha-man_1688101529

Nhà màn Việt Úc nuôi tôm thẻ chân trắng Công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Ảnh: CCTS

Vận dụng các chính sách của Trung ương, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh; rà soát, áp dụng các văn bản, quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý hiệu quả hoạt động nuôi trồng thủy sản, phù hợp với thực tiễn. 

Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, tổng kết Kế hoạch; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình UBND tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch, các nhiệm vụ, chương trình, dự án phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Đăng ngày 30/06/2023
Ái Trinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *