Hà Tĩnh: Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm

Những năm qua, các địa phương có lợi thế về nuôi tôm của tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân mở rộng diện tích, quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn, công nghệ cao.

Điển hình như: nuôi trong bể tròn nổi, nuôi trong nhà, nuôi thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn tuần hoàn, nuôi an toàn sinh học theo quy trình VietGAP… Nhờ đó, tôm nuôi ít dịch bệnh, lớn nhanh, cho năng suất vượt trội, đạt 10 – 20 tấn/ha/vụ trong ao đất; 20 – 30 tấn/ha/vụ trên cát hoặc trong bể tròn nổi, bể vuông có mái che…

thu-hoạch-tôm-1

Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao ở Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ Mưa

Theo Phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh, năm 2022, TP Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND về một số cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị thực hiện Chương trình Mặt trận quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, địa phương sẽ tập trung khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao bằng việc hướng dẫn tham gia liên kết, trở thành thành viên các Hợp tác xã, đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng (đào ao, lót bạt, đắp bờ, làm nhà màng…); ưu tiên cải tạo môi trường để nuôi trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ; cho vay vốn theo chính sách ưu tiên… Đến nay, thành phố đã có hơn 5 ha nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh cho hiệu quả kinh tế cao.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như: huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… thì hiện nay, ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, Hộ Độ (Lộc Hà); xã Kỳ Hà, Kỳ Thư (Kỳ Anh)… cũng đã mạnh dạn áp dụng, triển khai các công nghệ mới. Đến nay, toàn tỉnh có gần 630 ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao (tăng gần 30 ha so với năm 2021).

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung trong ao đất đảm bảo điều kiện phát triển nuôi thâm canh, công nghệ cao; phát triển các hình thức sản xuất theo hướng tập trung (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…); đẩy mạnh công tác sản xuất, ương dưỡng giống tôm có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong tỉnh.

Ngọc Diệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *