Hóa chất trong nuôi tôm và những điều cần biết

Song song với sự phát triển mạnh mẽ của nghề nuôi tôm thì thực tế sản xuất cũng gặp không ít rủi ro. Việc sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi tôm cũng là một biện pháp có thể giúp cải thiện tình trạng con giống, nâng cao chất lượng môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, để vụ nuôi của bà con được thành công thì việc hiểu rõ và sử dụng hóa chất đúng cách là rất cần thiết. Dưới đây là một số điều cần biết về hóa chất và lưu ý khi sử dụng.

ao-nuoi-5_1688097916
Để vụ nuôi được thành công thì việc hiểu rõ và sử dụng hóa chất đúng cách là rất cần thiết. Ảnh: Tép Bạc

TCCA – Trichloroisocyanuric acid 

TCCA là một loại thuốc khử trùng, sát trùng chứa nhóm halogen, là thuốc thông dụng nhất, khi hòa tan trong nước hình thành HCLO. Hóa chất TCCA trên thị trường có dạng viên hoặc dạng hạt nên người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng. 

Trong môi trừong nuôi trồng thủy sản, TCCA được ứng dụng với nhiều mục đích khác nhau. Cụ thể: Xử lý ao hồ trước lúc nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh dưới đáy ao của những vụ trước thì dùng TCCA với liều 2 – 2,5 kg/1.000 m3, phơi ao hồ 3 ngày, hòa tan thuốc vào nước và phun đều ao nuôi, sau 3 – 5 ngày cho nước vào và thả giống. Ngoài ra, dùng TCCA với mục đích tiệt trùng trong nguồn nước nuôi con giống thì sẽ dùng với liều lượng 0,4 g/10 m3 nước, hòa tan thuốc vào nước sau đó sục khí 12 giờ trước khi sử dụng.  

Lưu ý: Để đạt hiệu quả cao nhất nên sử dụng thuốc vào buổi chiều tối và pH thấp hơn 7. Không sử dụng dụng cụ và vật chứa bằng kim loại, vì sản phẩm TCCA có tính ăn mòn kim loại. Không để sản phầm gần hoặc sử dụng cùng lúc với các loại thuốc khác có tính kiềm, axit. Chỉ sử dụng thuốc khi đã hòa tan hết vào trong nước để có kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, có thể trung hòa TCCA còn tồn lưu trong ao bằng Sodium Thiosulphat trước khi nuôi.

Zeolite

Zeolite, khoáng chất silicat nhôm hay còn gọi là aluminosilicat, là hợp chất khoáng sét được sử dụng rất phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong nuôi tôm thâm canh. Đặc tính ưu việt của Zeolite là khả năng hấp phụ các kim loại, ammonia (dạng NH3, N NH4+), H2S, NO2… các chất độc cho tôm thường tồn tại trong ao nuôi.

Zeolite có thể làm giảm tỷ trọng kim loại nặng, độc hại trong ao nuôi; phân hủy xác tảo, các chất lơ lửng bẩn trong ao nuôi, giúp cân bằng môi trường nước, ổn định độ pH; ổn định màu nước, hạn chế ố vàng, làm sạch nước, tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước; hạn chế mầm bệnh, vi khuẩn có hại trong nước, vi khuẩn phát sáng trong ao nuôi…

Chú ý: Zeolite thường được sử dụng với liều lượng 200 kg/ha để làm giảm hàm lượng ammonia trong ao nuôi. Tuy nhiên hàm lượng có thể thay đổi tùy theo loại sản phẩm khác nhau của các nhà sản xuất và phụ thuộc vào giai đoạn sử dụng (cải tạo ao hay dùng vào đầu vụ, cuối vụ).

Chlorine (Clo)

Chlorine là một hóa chất có khả năng tiêu diệt được nhiều tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Trong nuôi thủy sản, Chlorine được dùng để xử lý nước ao, bể nuôi, dụng cụ sản xuất, phòng và trị bệnh bên ngoài cơ thể cá. Đối với ao tôm, sau khi sử dụng Clo 4 ngày tiến hành chạy quạt mạnh để giảm hàm lượng Clo tồn dư và có thể sử dụng bộ test Clo có trên thị trường để kiểm tra hàm lượng Clo tồn dư sau đó sử dụng NatriThiosulfate để trung hòa Clo với liều lượng 0.99 mg/L NatriThiosulfate để trung hòa được 1mg/L Cl2

Lưu ý: Chỉ nên dùng Chlorine để xử lý nguồn nước cấp (tức dùng trong ao lắng hoặc ao nuôi chưa có tôm cá) vì dư lượng Clo sẽ gây độc. Khi đã sử dụng Clo thì không được sử dụng các hóa chất diệt khuẩn khác (như BKC, formaline…). Không nên bón vôi trước khi sử dụng Clo vì sẽ bị giảm tác dụng khi pH cao.  

Ngoài ra, phổ diệt trùng của Clo rất rộng nên hầu như tất cả các loại vi khuẩn có lợi lẫn có hại đều bị tiêu diệt, dẫn đến đáy ao bị trơ và khó gây màu. Vì vậy, cần sử dụng các loại men vi sinh để khôi phục lại hệ vi sinh của đáy ao sau khi sử dụng Clo.  

Đăng ngày 30/06/2023
Nhất Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *