Mô hình nuôi rong sụn biển kết hợp hàu đang mang lại những lợi ích đáng kể cho người nuôi không chỉ về kinh tế, mà còn giúp việc tận dụng các tầng, các mặt nước để phân chia nuôi các loài với nhau, cho môi trường nuôi sạch bền vững hơn.
Ảnh: Super Trường Phát
Lợi ích
Xu hướng IMTA (Nuôi đa tầng/nuôi đa loài tích hợp) là một mô hình tiên tiến trong nuôi biển công nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản. Hiện nay trên thế giới đã áp dụng mô hình này để tăng sản lượng, chất lượng và quy mô vùng nuôi. Nuôi đa tầng là việc tận dụng các tầng, các mặt nước để phân chia nuôi các loài với nhau. Nó tạo một vòng tuần hoàn về thức ăn, dinh dưỡng cho các loài. Nuôi hàu với rong biển là một ví dụ. Rong biển tạo ra dinh dưỡng giúp hàu có môi trường sinh trưởng tốt hơn. Cả 2 loài đều có giá trị kinh tế cao. Tiềm năng về doanh thu là vô cùng lớn nếu biết tận dụng.
– Rong biển là loài dễ nuôi, không tốn thời gian chăm sóc, thích hợp nuôi cùng với hàu;
– Rong biển có nhiều tác dụng: làm sạch nguồn nước, tạo dinh dưỡng cho hàu béo hơn…
– Nuôi hàu với rong biển vừa tận dụng khu vực nuôi, vừa tăng lợi nhuận;
– Rong có thời gian thu hoạch từ 3 – 5 tháng, có thể trùng thời gian thu hoạch được hàu, dễ thu hoạch tổng thể;
– Chi phí đầu tư vật liệu nuôi rẻ, dễ thu hồi vốn nhanh.
Vật liệu nuôi
Sử dụng vật liệu HDPE chuẩn hợp quy theo QCĐP/QN:08, gồm phao nổi HDPE; lồng nổi HDPE; giàn nổi HDPE.
Phân khu 1: Khu giữ giống rong sụn: Vật liệu sử dụng lồng HDPE kích thước 1,5×6 m, hệ nâng nổi bằng ống HDPE phi 200. Hệ lồng nuôi bao gồm: ô lồng có lưới, phần trên treo dây xen kẽ các dây hàu, hạn chế cá ăn rong. Ô lồng không lưới: dùng để treo dây nuôi hàu.
Phân khu 2: Khu trồng rong sụn thương phẩm với hàu: Vật liệu sử dụng giàn phao nổi HDPE, quy mô rộng khoảng 250 m. Số lượng 100 phao nổi/dây. Treo rong và hàu xen kẽ, khoảng cách giữa các quả phao là 2,5 m, khoảng cách các dây là 3 m. Cách nuôi này sẽ phù hợp với điều kiện sinh trưởng, tốc độ phát triển của rong và hàu, tạo môi trường tự nhiên, đảm bảo chất lượng cho cả hàu và rong sụn thương phẩm.
Chọn giống rong sụn
Chọn giống rong to, khỏe, nhiều nhánh sum suê, đặc biệt là không được trầy xước, không có dấu hiệu của bệnh tật. Cần vận chuyển, bảo quản rong giống trong thùng xốp, để lạnh trong nhiệt độ <220C. Nếu để >220C thì 5 – 7 tiếng rong sẽ chết. Đặc biệt rong sụn giống cần tránh ánh nắng trực tiếp, giữ độ ẩm bằng cách tưới nước thường xuyên. Sau khi chuyển rong tới nơi nuôi trồng, cần có khâu giữ giống, thả giống. Để tránh nắng làm héo rong thì dùng gai lưới/lồng lưới thả giống rong xuống nước để giữ độ ẩm, tránh nắng, đảm bảo độ tươi, tránh bị sốc nhiệt.
Xuống giống và giữ giống:
- Tách bụi rong từ 100 – 140 g/nhánh;
- Sử dụng tay hoặc dao kéo tách rong;
- Dùng dây cột nhánh rong giống lại cho chắc chắn, tránh nước cuốn trôi;
- Dùng dây cước như khi nuôi hàu, cột từng dây rong vào dây cước;
- Khoảng cách từng bụi rong là 40 cm, trên 1 nòng dây có khoảng 8 bụi. Giữa các dây treo rong khoảng cách là 70 cm.
Chọn hàu giống
Cần tìm hiểu ký nguồn gốc xuất xứ của hàu giống và cách lựa chọn dựa vào các yếu tố như uy tín của cơ sở sản suất, nguồn gốc giống hàu. Hàu giống có màu xám đen đặc trưng và đồng đều về màu sắc, không bị rong rêu bám vào. Vỏ hàu không bị vỡ, dập võ, các gờ tăng trưởng phân bố khá đều đặn, gai vỏ xuất hiện đều xung quanh trừ đỉnh vỏ, vỏ giống phân bố đều trên hai mặt vỏ.
Điểm quan trọng nhất trong chọn giống hàu là kích cỡ phải đồng đều, thông thường hàu có kích thước tối thiểu 3 – 5 mm là có thể nuôi thả. Nên chọn con giống có vỏ giống phân bố đều trên hai mặt vỏ là tốt nhất. Tránh mua con giống trên cùng vỏ có kích cỡ chênh lệnh nhau quá lớn (2 – 3 mm).
Mùa vụ thả giống: Ở nước ta, miền Bắc hàu Thái Bình Dương được nuôi thành 2 vụ rõ rệt vào tháng 3 – 5 và tháng 8 – 10 hàng năm, tốt nhất là vào tháng 3 – 5. Ở miền Nam, hàu có thể thả giống quanh năm, tuy nhiên không nên thả giống vào mùa mưa bởi sự phát triển mạnh của các đối tượng cạnh tranh như: sun, hà… làm giảm tỷ lệ sống của hàu Thái Bình Dương.
Cần vệ sinh để tránh chất bẩn bám vào rong làm xước, gây bệnh ở rong. Ảnh: ST
Chăm sóc và quản lý
Đối với rong sụn: Tùy điều kiện vùng nuôi, có nơi nhiều rong rêu nước bẩn. Cần giũ bẩn, vệ sinh rong hàng tuần hoặc từ 10 – 15 ngày/lần. Đi theo dõi các chất bẩn mắc vào rong. Cần vệ sinh để tránh chất bẩn bám vào rong làm xước, gây bệnh ở rong.
Đối với hàu nuôi: Định kỳ kiểm tra, gia cố hệ thống bè nuôi, đặc biệt là trước và trong mùa mưa bão. Có thể hạ sâu dây hàu để hạn chế ảnh hưởng sóng gió. Khoảng 15 – 20 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng phát triển của hàu cũng như vệ sinh dây nuôi hàu, loại bỏ những vật bám, rong, rêu và phù sa… Trong quá trình nuôi phải chủ động phải san thưa dây hàu để đảm bảo điều kiện thức ăn cho sinh trưởng và phát triển. Cần chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên dây nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên của dây nuôi chứng tỏ nền đáy có vấn đề như: pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc… Khi đó, cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vật bám thưa ra.
Quản lý môi trường
– Thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất vào nơi quy định. Đối với xác hàu chết phải loại bỏ đúng nơi quy định, không vứt ra môi trường xung quanh dễ gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện bệnh bùng phát.
– Vào những ngày trời mưa cần thường xuyên kiểm tra độ mặn. Nếu có hiện tượng độ mặn giảm thấp cần phải kiểm tra xung quanh xem có nguồn nước ngọt chảy trực tiếp vào vùng nuôi không để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Trong điều kiện môi trường không thuận lợi như độ mặn thấp, nguồn thức ăn giảm… có thể hạ các dây nuôi xuống sâu hoặc di chuyển hàu đến vùng khác; thường xuyên kiểm tra các thiết bị nuôi như dàn bè, phao, dây nuôi, lồng nuôi, nhằm phát hiện và sửa chữa kịp thời.
– Thực hiện quan trắc một số yếu tố môi trường chính như pH, ôxy hòa tan, độ mặn, độ kiềm… để có biện pháp kỹ thuật điều chỉnh kịp thời.
Thu hoạch
Rong sụn: Thời gian thu hoạch rong khoảng 70 ngày kể từ ngày xuống giống, rong giống ban đầu nặng từ 100g lên tới 3 – 5 kg rong thương phẩm.
Hàu thương phẩm: Sau khi nuôi khoảng 6 tháng nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh. Sau 8 – 10 tháng nuôi thì có thể tiến hành thu hoạch. Mùa vụ thu hoạch có liên quan đến chất lượng sản phẩm. Thường vào mùa sinh sản khi tuyến sinh dục của hàu phát thành thục thì chất lượng thịt cao nhất, lúc đó hàm lượng đạm cao và hàm lượng nước trong thịt thấp. Trước khi vận chuyển hàu thương phẩm cần vệ sinh bên ngoài hàu, loại bỏ những vật bám. Vận chuyển hàu đến nơi tiêu thụ trong môi trường ẩm và mát.
Bích Hòa