Tại một hội nghị diễn ra ở Bắc Kinh, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Alibaba cho biết dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ tiêu dùng khoảng 210.000 tấn cá hồi mỗi năm.
Ông Yang Guang, Giám đốc kinh doanh thủy sản trên sàn thương mại Taobao và Tmall đưa ra dự đoán nhu cầu tiêu thụ cá hồi ở Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 210.000 tấn mỗi năm vào năm 2030.
Cá hồi đang được phục vụ tại một nhà hàng thuộc trung tâm thương mại MixC Thẩm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Sorbis/Shutterstock
Ông cho biết tỷ lệ gia tăng tiêu thụ cá hồi tại Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2019 là gần 12%, trong khi tỷ lệ này của toàn cầu chỉ đạt 6%. Kể từ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tình hình giao thương trên đà hồi phục, các chuyên gia đã nhìn thấy tiềm năng tiêu thụ cá hồi của người dân Trung Quốc. Nhiều tổ chức đã đưa ra dự đoán về sự bùng nổ của thị trường loài hải sản này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 39.600 tấn cá hồi Atlantic, trị giá 599 triệu USD, tăng 89% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Na Uy là nhà cung cấp cá hồi lớn nhất sang Trung Quốc với 19.100 tấn (trị giá 300 triệu USD), chiếm 48% thị phần; đứng thứ 2 là Chile với 8.700 tấn (trị giá 123 triệu USD), chiếm 22% thị phần; đứng thứ 3 là Australia với 6.300 tấn (trị giá 87,5 triệu USD), chiếm 16%.
Theo ông Yang, nhu cầu cá hồi ở Trung Quốc được hình thành từ ngành công nghiệp dịch vụ thực phẩm, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự nhận được cú hích lớn từ các nhà cung cấp, do đó đây là một thị trường có đầy tiềm năng phát triển mạnh. Ông Yang cho biết kinh doanh online cá hồi trên sàn thương mại Taobao và Tmall của Alibaba đã có sự tăng trưởng vượt trội hơn bất kỳ loại thịt và hải sản khác. Trong 3 năm trở lại đây, số người mua và tần suất mua các sản phẩm cá hồi tăng rất đều đặn, số tài khoản sử dụng để mua cá hồi online tăng 50% mỗi năm. Người tiêu dùng là nữ chiếm 67% tổng số người mua, chủ yếu là những người có thu nhập trung bình và cao. Những người mua cá hồi chủ yếu thuộc nhóm tuổi 30 – 34, trong khi nhóm tuổi 25 – 39 ưa chuộng hải sản nhập khẩu có hàm lượng protein cao như cá hồi nhập khẩu và cá tuyết.
Năm 2018, Hội đồng Thủy sản Na Uy dự báo tới 2025 Trung Quốc sẽ tiêu thụ 240.000 tấn cá hồi mỗi năm, bao gồm cá hồi đông lạnh (14.000 tấn cá hồi được nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2018). Năm 2019, ông Arild Aakre, nguyên trưởng phòng kinh doanh và marketing của Tập đoàn Cermaq dự đoán tới 2025 Trung Quốc sẽ tiêu thụ 300.000 – 400.000 tấn cá hồi mỗi năm, nếu nguồn cung cho phép. Cả hai dự báo này đều dựa trên thói quen tiêu dùng cá hồi theo phong cách phương tây của người dân Trung Quốc.
Đã có một thời gian dài, giá cao và sự không tương thích với ẩm thực truyền thống Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tăng trưởng tiêu dùng cá hồi nước này. Thêm vào đó, trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, các nhà chức trách Trung Quốc đã tìm thấy mối liên kết giữa các đợt bùng nổ dịch và sản phẩm thủy sản nhập khẩu (do phát hiện virus corona trong mẫu thử); điều này dẫn tới thị trường cá hồi khá ảm đạm.
Tuy nhiên, theo ông Yang, hiện đang có 5 xu hướng chính có khả năng cao sẽ kích thích tiêu dùng cá hồi ở Trung Quốc và thổi một làn gió mới cho ngành công nghiệp cá hồi nước này: (1) người dân có nhu cầu mua cá hồi tươi và cá hồi chế biến sẵn, (2) truy xuất nguồn gốc được quan tâm hơn bao giờ hết, về vấn đề này cá hồi Na Uy và Chile đang được đánh giá cao (3) sự bùng nổ của các kênh kinh doanh mới như video ngắn và phát trực tiếp, (4) hương vị đa dạng từ công thức hun khói, nướng và cá hồi trộn rong biển ngày càng kích thích vị giác của người tiêu dùng, (5) người trẻ tuổi có xu hướng mua cá hồi để ăn kiêng (chiếm 40% số người tiêu dùng hải sản online).
An Vy
(Theo Undercurrent News)