Ứng dụng ShellBank: Giải Pháp Đột Phá Cho Bảo Tồn Rùa Biển Tại Việt Nam

Ngày 17.9, tại thủ đô Hà Nội, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng TRAFFIC Việt Nam đã tổ chức buổi tập huấn “Giới thiệu ShellBank – Công cụ truy xuất nguồn gốc rùa biển và hiệu quả sử dụng góp phần thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức và ứng dụng công nghệ trong việc bảo vệ các loài rùa biển.

tien-si_1726715721
Tiến sĩ Christine Madden, giám đốc ShellBank, giới thiệu bộ công cụ ShellBank. Ảnh: Ái Trinh

Buổi tập huấn có sự tham gia của 35 đại biểu đại diện cho Chi cục Thủy sản/Chi cục Kiểm ngư các tỉnh, Ban quản lý Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia, các Viện Nghiên cứu, Trường Đại học, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Cảnh sát biển Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.

ShellBank là công cụ hàng đầu trong việc truy xuất nguồn gốc DNA rùa biển, giúp theo dõi nguồn gốc quần thể rùa và xác định rõ ranh giới địa lý. Nó được thiết kế để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật trong việc giám sát và quản lý rùa biển hiệu quả hơn thông qua cơ sở dữ liệu DNA toàn cầu. Công cụ này xây dựng hệ thống thông tin mạnh mẽ nhằm chống lại buôn bán và săn bắt rùa biển trái phép.

Trong buổi tập huấn, Tiến sĩ Christine Madden – Trưởng nhóm bảo tồn rùa biển WWF, đồng sáng lập và giám đốc ShellBank, cùng Tiến sĩ Michael Jensen – Khoa học trưởng và đồng sáng lập ShellBank đã chia sẻ chi tiết về hoạt động và hiệu quả của ShellBank với các ví dụ cụ thể ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Philippines, Úc và Indonesia. Họ cũng trình bày tổng quan về quy trình thực hiện ShellBank trong việc bảo tồn rùa biển.

Các đại biểu đã thực hành nhận dạng rùa biển, thu thập mẫu trong cứu hộ và xử lý bằng chứng trong các vụ vi phạm liên quan đến rùa biển. Họ cũng đã thảo luận sôi nổi về cơ hội và thách thức khi áp dụng ShellBank ở Việt Nam.

cac-dai-bieu_1726716178

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại lớp tập huấn. Ảnh: Ái Trinh

Việt Nam hiện có 5 loài rùa biển, bao gồm: Vích (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Quản đồng (Caretta caretta), và Rùa da (Dermochelys coriacea). Tất cả các loài đều nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN, cũng như thuộc Nhóm I của danh mục loài nguy cấp cần được bảo vệ.

Từ những năm đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã chủ động tham gia ký kết biên bản ghi nhớ về bảo tồn rùa biển và môi trường sống tại Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (IOSEA) vào ngày 01/10/2001. Dần dần, nhận thức và hành động bảo vệ rùa biển đã tiến bộ rõ rệt với sự cộng tác của chính quyền và người dân.

Các biện pháp bảo tồn bao gồm việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, quy trình cứu hộ và thả rùa về tự nhiên, cũng như nhiều nghiên cứu về sinh học và sinh thái học của rùa biển. Các hoạt động quảng bá nhận thức cộng đồng, các mô hình bảo tồn kết hợp du lịch, và các chương trình tình nguyện cũng được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bảo tồn rùa biển tại Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức như môi trường nước ô nhiễm, giảm diện tích nơi kiếm ăn và các bãi đẻ, khai thác rùa không chủ ý, cũng như buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vẫn còn hiện diện. Công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật đôi khi chưa kịp thời và nguồn lực còn hạn chế.

Ông Lê Hữu Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư) nhấn mạnh rằng buổi tập huấn không chỉ giúp hiểu rõ hơn về cơ sở dữ liệu gen rùa biển mà còn giới thiệu quy trình và khả năng áp dụng ShellBank tại Việt Nam, từ đó góp phần vào Kế hoạch hành động quốc gia Bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025.

Đăng ngày 19/09/2024
Ái Trinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *