Nguồn Gốc Và Đặc Điểm Sinh Học Của Cá Hường Ở ĐBSCL

Cá hường được xem là một loài di nhập tuy nhiên vấn đề này chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), cá hường thường được nuôi chung trong ao với nhiều loài cá khác. Đặc biệt, tại khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), cá hường sống thành bầy đàn; một số cá thể có thể đạt trọng lượng trên 500 g, trong khi cá ở các ao nuôi thường chỉ đạt dưới 200 g.

DBSCL_1726715565
Nguồn gốc cá hường tại ĐBSCL và Việt Nam chưa được xác định rõ ràng.

Cá hường (Helostoma temminkii) có kích thước phổ biến khoảng 20 cm, sinh sống chủ yếu ở các vùng nước chảy chậm, kênh rạch, ao hồ từ Thái Lan đến Indonesia. Các loài thực vật và động vật phù du, côn trùng nước là nguồn thức ăn chính của chúng. Ở Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL, cá hường thường được nuôi chung với các loài cá tai tượng (Osphronemus goramy), cá trôi (Cirrhina mrigala), cá chép (Cyprinus carpio), cá mè trắng (Hypophthalmichthys molitrix)…

Mặc dù là đối tượng nuôi phổ biến ở ĐBSCL, các nghiên cứu về sự đa dạng hình thái của cá hường vẫn còn hiếm hoi. Cá hường nuôi có thể có hình thái khác biệt so với cá sống trong tự nhiên. Theo người dân địa phương, cá hường hiện nay rất khó bắt gặp trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, tại khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), cá hường vẫn sinh sống theo bầy đàn.

Trong một nghiên cứu khảo sát đặc điểm cá hường vùng ĐBSCL, mẫu cá đã được thu thập tại 5 tỉnh: Long An (Láng Sen – thủy vực tự nhiên), Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Cần Thơ (ao nuôi). Các chỉ số như chiều dài tổng, chiều dài đầu, chiều rộng đầu, chiều dài mõm, độ rộng miệng, khoảng cách hai mắt, đường kính mắt, chiều dài các cơ quan thân trên… được đánh giá. Kết quả cho thấy, cá ở Láng Sen có chiều dài và khối lượng lớn nhất, do cá sống trong môi trường tự nhiên và không bị khai thác quanh năm. Trong khi đó, cá ở các ao nuôi có khối lượng và kích thước nhỏ hơn nhiều, do được nuôi cấy và thu hoạch sau vài tháng.

picture1_1726715420
Đối tượng nuôi phổ biến tại vùng ĐBSCL

Sự khác biệt về màu sắc của cá hường được xác định bằng cách quan sát và so sánh. Cá hường ở Trà Vinh, Cần Thơ và Hậu Giang có màu sắc hồng đến xám tro. Cá ở Trà Vinh nhạt nhất (hồng trắng), trong khi đó cá ở Láng Sen có màu xám xanh đậm, và cá ở Đồng Tháp có màu hồng đậm.

Sự khác biệt về màu sắc có thể là do tác động của môi trường sống. Láng Sen, nơi cá hường sinh sống, được bao phủ bởi rong rêu dày đặc, là nơi ẩn náu lý tưởng. Màu xám xanh có thể là kết quả của môi trường sống, giúp cá lẩn tránh kẻ thù.

picture2_1726715468
Các hình dáng và màu sắc cá hường ở các khu vực

Mẫu cá được kiểm tra định danh loài bằng phân tích trình tự gene DNA mã vạch (gene COI) và so sánh với ngân hàng gene (Genbank). Mức độ đa dạng di truyền của bốn đàn cá được phân tích với sáu chỉ thị ISSR. Kết quả gene COI cho thấy cá hường trong nghiên cứu đạt độ tương đồng 99,2% với mẫu cùng loài (Helostoma temminckii) trong Genbank. Tỉ lệ gene đa hình dao động từ 55,42-90,36%, với chỉ số Shannon từ 0,269-0,386. Đáng chú ý, mức độ đa dạng di truyền cao nhất được ghi nhận ở đàn cá Hậu Giang, trong khi đàn cá Láng Sen có mức đa dạng di truyền thấp nhất. Việc bảo tồn và phát triển đàn cá Láng Sen cần được thực hiện nghiêm túc và áp dụng chương trình quản lý hợp lý.

Đăng ngày 19/09/2024
Hồng Huyền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *