Ngành công nghiệp tôm Ecuador đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng xảy ra do giá tôm giảm không phanh, đặc biệt ở những thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc.
Theo ông Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA), xu hướng tiêu dùng giảm, chi phí hoạt động tăng và bất ổn an ninh trong nước đã khiến giá tôm giảm về mức báo động, thậm chí dưới mức khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát.
Trong tuần 28 (10 – 17/7/2023), giá trung bình của tôm Ecuador (HOSO) là 4,1 USD/kg (loại 20 – 30 con/kg), 3,2 USD/kg (loại 30 – 40 con/kg), 2,9 USD/kg (loại 40 – 50 con/kg), 2,75 USD/kg (loại 60 – 70 con/kg), 2,40 USD/kg (loại 70 – 80 con/kg), 2,30 USD/kg (loại 80 – 100 con/kg), 1,8 USD/kg (loại 100 – 120 con/kg), và 1,60 USD/kg (loại 120 – 140 con/kg).
Ngoài ra, ngành tôm Ecuador đang đối mặt với tình trạng vùng nuôi tôm ngày càng bị mở rộng bất hợp pháp, khiến cung vượt cầu. Những vuông tôm mở rộng trái phép đang tạo áp lực không nhỏ lên những người nuôi tôm lâu năm luôn tuân theo quy tắc phát triển bền vững của ngành. Cung vượt cầu dẫn đến giá giảm, đó là quy luật tất yếu.
Ngành tôm Ecuador đang phải đối mặt với khủng hoảng chưa từng xảy ra trong lịch sử. Ảnh: Globalseafood
Để giải quyết bài toán cung lớn hơn cầu, một số nước như Ấn Độ đã nhờ tới sự trợ giúp từ Chính phủ. Tuy nhiên, đó không phải giải pháp lâu dài, bởi cuối cùng một ngày nào đó cũng dẫn tới “sập” thị trường. Giải pháp bền vững nhất là giảm sản xuất để cung – cầu gặp nhau. Tuy nhiên, về bản chất, năng suất ngày càng tăng bấy lâu nay chủ yếu do sự cải thiện về gen, dinh dưỡng, công nghệ, và cách quản lý đã tiến bộ suốt 1 thập kỷ qua. Do đó, dừng mở rộng ranh giới nông nghiệp không phải là đáp án trong cân bằng cung cầu.
Do đó, Ecuador đang cần lắm một số biện pháp cấp bách để đảm bảo sự sống còn và bền vững tài chính. Tăng khả năng cạnh tranh là vấn đề cốt yếu, bao gồm tìm nguồn năng lượng thay thế, đẩy mạnh đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động. Các vấn đề bất ổn an ninh đang ảnh hưởng mạnh đến ngành tôm cần được giải quyết bằng các biện pháp phòng chống và bảo vệ, nhằm tạo môi trường an toàn và có lợi cho việc phát triển ngành tôm.
Chính phủ Ecuador cần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngành tôm vượt qua khủng hoảng thông qua những chính sách hỗ trợ kinh tế, bao gồm các gói tài chính đẩy lùi tác hại của hiện tượng El Nino, giảm thuế phí, phát triển các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện hiệu quả sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất nhỏ.
>> Ông Jose Antonio Camposano, Chủ tịch Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA):
Không những thế, giá vận hành như nhiên liệu, nhân công, cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và bất ổn an ninh cũng đang tác động lớn đến lợi nhuận của ngành. Tính đến thời điểm này, tổn thất ngành tôm Ecuador phải chịu đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
An Vy
Theo Undercurrent News