Kỹ thuật nuôi cá điêu hồng trong ao đất

Cá điêu hồng là loài có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, có thể nuôi ở nhiều mô hình khác nhau. Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá điêu hồng đã phát triển mạnh, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nuôi.

Chuẩn bị ao nuôi

Nên chọn ao nuôi gần những nơi có nguồn nước ngọt tốt, để thuận lợi cho việc lấy nước và thoát nước trong quá trình nuôi và vệ sinh ao nuôi. Ao nuôi nên thiết kế theo hình chữ nhật để tiện chăm sóc, quản lý, và thu hoạch. Diện tích ao nuôi phù hợp nhất là trên 1.000 m2 và có độ sâu tối thiểu là 1,5 m. Người nuôi lưu ý, nên làm bờ bao ao nuôi cao hơn đỉnh lũ hằng năm khoảng từ 0,5 m trở lên. Xung quanh bờ ao phải phát quang bụi rậm, lấp hết hang hốc. Đảm bảo ao thông thoáng để tăng cường ôxy hòa tan từ không khí vào nước. Đường cống thoát nước cần đặt ở đáy ao để rút nước khi thu hoạch hoặc có thể xử lý thuốc. Tiến hành cải tạo ao, xử lý ao nuôi bằng vôi bột (khoảng 10 – 15 kg/100 m2) để khử chua cho ao và diệt các loại cá tạp. Sau khi khử ao bằng vôi nên phơi ao khoảng 2 – 3 ngày.

ky-thuat-nuoi-ca-dieu-hong-2-anh-de-hues-38

Cá điêu hồng là loài có giá trị kinh tế cao, có thể nuôi ở nhiều mô hình khác nhau. Ảnh: De Heus

Con giống

Cần chọn những cơ sở sản xuất có uy tín, chọn những con khỏe mạnh không dị hình, dị tật. Kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị nhiễm bệnh. Nên chọn con giống có trọng lượng từ 100 – 150 con/kg.

Tùy vào chất lượng ao nuôi và nguồn nước cung cấp cũng như khả năng cung cấp thức ăn mà người nuôi quyết định mật độ thả nuôi như thế nào. Tuy nhiên, do cá điêu hồng có nhu cầu ôxy rất cao thích hợp nuôi nơi có dòng nước chảy như các bãi ven sông. Khi nuôi trong ao đất nên thả mật độ ≤ 3 con/m2. Ngoài ra người nuôi có thể thả ghép một số loài cá có giá trị cao như cá thát lát và cá sặc rằn nhằm tăng thêm thu nhập.

Thời gian thích hợp để bắt đầu thả nuôi cá điêu hồng vào khoảng cuối tháng 5 đến tháng 6 hằng năm, thời điểm thời tiết khí hậu còn khá mát mẻ. Tốt nhất thả cá vào sáng sớm hoặc chiều tối lúc này nhiệt độ môi trường ao nuôi không có sự thay đổi lớn.

Tiến hành khử trùng phòng bệnh cho cá giống. Biện pháp này có tác dụng loại bỏ mầm bệnh trên cơ thể cá trước khi thả bằng một trong các biện pháp sau: Tắm cho cá trong dung dịch muối ăn nồng độ 2 – 3% trong thời gian 5 – 10 phút hoặc dùng thuốc tím nồng độ 0, 001- 0,002% (1 g thuốc tím hòa trong 50 – 100 lít nước sạch) tắm trong 10 – 20 phút hoặc dung dịch CuSO4 nồng độ 0,5 – 0,7 g/m3 nước trong 20 – 30 phút.

Khi thả cá giống, đầu tiên người nuôi nên ngâm túi nilon đựng cá vào trong nước ao nuôi khoảng 15 – 20 phút, nhằm mục đích để nhiệt độ trong túi nilon bằng nhiệt độ môi trường nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới, tránh hiện tượng stress làm cá bị sốc dẫn đến chết. Sau đó mở một đầu túi, cho nước chảy từ từ vào, để cá bơi tự nhiên ra, khi cá ra khỏi bao 1/2 – 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết.

Thức ăn

Có thể sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, với thức ăn dạng nổi cho cá điêu hồng như hiện nay, người nuôi có thể quan sát được lượng cá ăn hàng ngày để điều chỉnh lượng cho ăn phù hợp, quan sát được khả năng bắt mồi của cá trong quá trình ăn, hạn chế được những vấn đề về thức ăn thừa, có thể chìm xuống đáy hoặc ở trong môi trường nước, gây ô nhiễm nguồn nước.

Sau khi thả sau 4 tiếng mới cho cá ăn, tháng đầu nên cho cá ăn thức ăn có độ đạm 40%, lượng thức ăn hằng ngày khoảng 10% trọng lượng cá, cho ăn 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều), nên rải thức ăn từ từ tránh thừa thức ăn gây ô nhiễm ao nuôi và lãng phí thức ăn. Từ tháng thứ 2 cho cá ăn, thức ăn 30% đạm, lượng thức ăn hằng ngày khoảng 7% trọng lượng cá, cho ăn 2 lần/ngày, cữ buổi sáng tốt nhất nên cho cá ăn từ 8 – 9 giờ, cữ chiều từ 16 – 17 giờ. Nhằm giảm chi phí từ tháng thứ 3 đến khi thu hoạch nên trộn 2 loại thức ăn với nhau: Thức ăn 30% đạm + thức ăn 18% đạm theo tỷ lệ 9:1 sau đó tăng dần theo tỷ lệ 5:5. Với tỷ lệ phối trộn như trên, cá có tốc độ tăng trưởng hơi chậm so với không trộn nhưng bù lại giảm chi phí đáng kể cho người nuôi.

 

Chăm sóc

Thường xuyên kiểm tra nước ao, quan sát màu nước, nếu nước đục, xám chứng tỏ là nước có chứa nhiều chất độc và bẩn, lúc này người nuôi phải có biện pháp để xử lý nước ngay. Nếu nước có màu xanh nõn chuối hoặc vàng nhẹ thì đây chính là điều kiện lý tưởng cho cá phát triển.

Trong quá trình nuôi, nếu thấy bờ ao có hiện tượng nhiều phèn, phải tiến hành các biện pháp rửa phèn, chặn phèn, nên chặn phèn sớm trước những cơn mưa đầu mùa.

Chú ý kiểm tra tu bổ cống bọng, bề mặt ao lấp kín các lỗ hổng nơi rò rỉ, hang hốc.

Theo dõi khả năng ăn mồi, bơi lội (xem cá có bơi cùng đàn hay không), màu sắc cá. Nếu có những dấu hiệu bất thường về khả năng bắt mồi hoặc thấy cá chết vài con trong ngày thì cần phải có biện pháp điều trị ngay.

Nguyễn Hằng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *