Phòng tránh Hội chứng Taura trên TTCT

Virus gây Hội chứng Taura ký sinh trên tế bào biểu mô tôm, giai đoạn đầu tập trung ở biểu mô đuôi. Tôm thẻ chân trắng (TTCT) là một trong những loài hay gặp hội chứng này do quy mô nuôi công nghiệp với mật độ cao ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân

Bệnh do virus gây ra. Đây là virus dạng hình cầu, có 20 mặt, đường kính 32 nm, cấu trúc nhân RNA và ký sinh trên tế bào biểu mô của tôm. Virus gây hội chứng Taura được phát hiện vào năm 1992 ở Ecuador và nhanh chóng truyền sang các nước châu Mỹ, châu Á gây nhiều thiệt hại cho người nuôi tôm.

benh-Taura-1

(A,B) Tôm nhiễm bệnh Taura giai đoạn cấp tính. (C,D) Dấu hiệu tôm mắc bệnh Taura với đuôi quạt màu đỏ. Nguồn: MDPI

Đặc điểm

Bệnh có tính chất rất nguy hiểm và lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh cao, có thể gây chết tôm trên diện rộng nếu không được ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời.

Đối tượng: Bệnh Taura thường gặp trên tôm thẻ chân trắng, giai đoạn từ 14 – 45 ngày tuổi, trọng lượng tôm dao động từ 0,05 – 7 g/con. Bệnh cũng có thể nhiễm ở tôm sú (P. monodon), tôm he Nhật Bản (P. japonicus) và một số loại tôm khác. Virus Taura có thể nhiễm trên tôm sú gây ra bệnh đỏ đuôi: Tôm có màu đỏ ở toàn bộ vùng đuôi quạt và các đốt thân kế tiếp ngược lên phía đầu; chân bò, chân bơi cũng có màu đỏ.

Đường lây truyền: Bệnh có thể lây nhiễm theo chiều dọc từ tôm bố mẹ mang mầm bệnh sang tôm giống; và cũng có thể lây nhiễm theo chiều ngang khi tôm khỏe ăn tôm chết bệnh hoặc sống trong môi trường nước có chứa chất thải từ tôm bệnh. Các loài chim di cư, côn trùng sống dưới nước và con người có khả năng là vật trung gian cơ học của virus.

Những con tôm sống sót sau khi nhiễm bệnh có thể mang mầm bệnh suốt vòng đời của nó. Khi độ mặn dưới 30 ppt thì bệnh dễ bùng phát hơn.

Dấu hiệu

Tôm nhiễm bệnh biểu hiện yếu, vỏ mềm, ruột không có thức ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp mé bờ, chậm lớn. Gan tụy có màu vàng hơn bình thường; mang, đuôi có thể bị sưng. Thân tôm (đuôi, chân bơi) có màu đỏ nhạt, hồng xám. Khi dùng kính hiển vi quan sát đuôi và chân bơi của tôm sẽ thấy có dấu hiệu hoại tử.

Ở giai đoạn cấp tính, tôm thường chết trong quá trình lột xác. Đầu tiên thấy xuất hiện tôm chết dưới đáy, sau đó tôm nổi lên mặt nước và có nhiều tôm chết ở rìa ao. Nếu tôm sống lột vỏ được, chúng có thể hồi phục và sinh trưởng bình thường, dù vẫn nhiễm virus. Sau giai đoạn cấp tính, biểu bì bị hoại tử sẽ gây nên các đốm đen trên thân tôm, vỏ kitin ở đuôi.

Tôm mắc bệnh giai đoạn mãn tính không có dấu hiệu bên ngoài, mô bệnh chỉ có trong tổ chức lympho của tế bào.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán đúng bệnh, cần thực hiện các phương pháp sau:

Phương pháp truyền thống: xét dấu hiệu lâm sàng, tác nhân thô, mô học và xét nghiệm sinh học.

Phương pháp kháng thể: test ELISA, test PCR.

Phòng, trị bệnh

Bệnh do virus gây ra nên chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Hiện nay ở Việt Nam đã sản xuất được tôm giống có khả năng kháng bệnh Taura, do đó, người nuôi cần lựa chọn tôm giống chất lượng tốt, sàng lọc cẩn thận các mầm bệnh, virus, có chứng nhận kiểm dịch.

Người nuôi cần chuẩn bị tốt ao nuôi và hạn chế sự xâm nhập của các loài giáp xác mang mầm bệnh.

Xử lý và lắng lọc nước kỹ lưỡng trước khi cấp vào ao nuôi, lọc qua lưới lọc cẩn thận.

Chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng và có chứng chỉ sạch bệnh qua kiểm tra PCR.

Cho ăn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và đúng khẩu phần, đồng thời trộn thêm vitamin và các khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm.

Định kỳ 7 – 10 ngày/lần sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy mùn bã hữu cơ trong ao, đồng thời kìm hãm các vi sinh vật có hại, giúp cải thiện môi trường sống cho tôm.

Kết hợp quan sát và theo dõi ao nuôi hằng ngày nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử lý kịp thời.

Khi ao tôm nhiễm bệnh, phải sát khuẩn kỹ, giảm tối thiểu sự lây lan qua các ao khác.

Diệu Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *