Tại sao cần thay thế bột cá – thành phần chính trong thức ăn thủy sản?

Bột cá đã giữ một vai trò quan trọng trong sản xuất thức ăn cho ngành thủy sản trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu sản xuất bột cá đang gặp khó khăn về việc sụt giảm nguồn cung dẫn đến không đủ đáp ứng lượng cầu và giá thành tăng cao.

Thức ăn thủy sản thành phần chính làm từ bột cá. Ảnh: Shutterstock

Vì vậy, nghiên cứu về việc thay thế bột cá bằng các nguồn nguyên liệu thực vật, triển vọng sẽ làm giảm áp lực lên nguồn cá tự nhiên và chi phí sản xuất thức ăn cho ngành công nghiệp thủy sản.

Bột cá từ lâu đã có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn protein chất lượng cho thức ăn của các loài thủy sản. Mặc dù có nhiều sản phẩm thay thế xuất hiện, nhưng bột cá vẫn giữ vững vị trí quan trọng trong ngành sản xuất thức ăn với khối lượng giao dịch lớn mỗi năm.  

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nguồn cung cấp bột cá đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự không ổn định trong nguồn cung đã ảnh hưởng lớn đến giá cả của bột cá. Các yếu tố như khai thác quá mức nguồn cá tự nhiên, biến đổi khí hậu và biến đổi môi trường biển đều góp phần tạo ra tình huống không chắc chắn về nguồn cung. Trong bối cảnh này, việc lựa chọn các thành phần thay thế cho bột cá trong sản xuất thức ăn thủy sản trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Bột cá đã làm rất tốt nhiệm vụ cung cấp đạm (protein) trong thức ăn thủy sản

Bột cá là một nguồn nguyên liệu quan trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản, được tạo ra chủ yếu từ nguồn khai thác các loài cá ven biển theo mùa. Bột cá có hàm lượng protein dao động từ 45% đến 80%, và cung cấp một loạt các axit amin cần thiết cho sự phát triển của các loài thủy sản.

Đặc biệt, bột cá còn cung cấp các axit béo cao phân tử không no (HUFA) quan trọng cho tôm và cá. Khi thức ăn công nghiệp sử dụng nguyên liệu từ bột cá, không chỉ đảm bảo chất lượng dinh dưỡng mà còn mang đến mùi thơm hấp dẫn, thúc đẩy sức ăn của các loài thủy sản.

Bột cá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh: botcatanlong.com

Khẩu phần thức ăn tiêu biểu cho cá thường có tỷ lệ protein từ 32% đến 45% trên tổng trọng lượng thức ăn. Đối với tôm, tỷ lệ này thường dao động từ 25% đến 42%. Bột cá đã thể hiện tính linh hoạt đáng kể trong việc ứng dụng vào khẩu phần thức ăn cho các loại thủy sản, phản ánh qua việc tỷ lệ sử dụng bột cá có khả năng biến đổi tùy theo yêu cầu hàm lượng protein cao thấp như: Cá chép và cá rô phi tỷ lệ protein chỉ cần từ 5% đến 7% nhưng đối với các loài cá biển như cá hồi thì tỷ lệ protein cần lên đến 40% – 55%. Qua đó thấy được bột cá đang làm rất tốt nhiệm vụ cung cấp lượng protein và các chất cần thiết trong thức ăn của các loài thủy sản.

Thức ăn có thành phần chính từ bột cá. Ảnh: veterinariadigital.com

Những cân nhắc về kinh tế và môi trường của việc sử dụng bột cá

Môi trường tự nhiên – Trữ lượng cá đang suy giảm nghiêm trọng

Hiện tại, ngành công nghiệp khai thác cá đang đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng trữ lượng các loài cá nhỏ trong môi trường tự nhiên. Các hoạt động khai thác quá mức đã góp phần làm suy giảm số lượng cá, đẩy chúng vào tình trạng nguy cấp.

Nhiều nghiên cứu, dự đoán rằng nếu tình trạng khai thác cá nhỏ tiếp tục diễn ra như hiện tại, trữ lượng của những loài này có thể sẽ đạt đến giới hạn sinh thái vào năm 2037. Điều này đồng nghĩa với việc các loài cá đang bị khai thác để sản xuất bột cá, cũng như các loài cá trong chuỗi thức ăn của chúng, sẽ đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên.

ca-bien-2_1692954914Mối lo suy giảm nghiêm trọng của trữ lượng các loài cá nhỏ trong môi trường tự nhiên. Ảnh: navifeed.vn

Vấn đề kinh tế – giá thành bột cá tăng cao

Việt Nam, mặc dù đứng thứ hai trong việc cung ứng bột cá cho thị trường Trung Quốc, nhưng vẫn đối mặt với tình trạng phải nhập khẩu một lượng đáng kể bột cá để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu tới 129.000 tấn bột cá với giá trung bình 1.525 USD/tấn, tăng 18,4% so với năm 2021. Đây là tín hiệu cho thấy việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn đang tăng mạnh và có chi phí đáng kể.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu bột cá không chỉ đối mặt với sự gia tăng liên tục về khối lượng, mà còn vấn đề tăng giá thường xuyên của nguyên liệu này. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trích dẫn nguồn từ Undercurrentnews cho biết, giá bột cá tại thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, giá bột cá loại cao cấp hiện tại đã vượt qua ngưỡng 2.700 NDT/tấn, cao hơn 2.700 NDT/tấn so với mức hồi đầu năm, đồng thời tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả đã vượt qua cả mức cao nhất của năm 2020 và 2018.

Sự kết hợp giữa việc nhập khẩu một lượng lớn bột cá với một mức giá cao như vậy đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành nuôi trồng thủy sản trong nước. Không chỉ phải đối mặt với việc tăng chi phí sản xuất, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo nguồn cung ứng và tính ổn định của nguyên liệu.

Tiềm năng sử dụng nguyên liệu thực vật thay cho bột cá

Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu đề xuất việc thay thế nguồn nguyên liệu thực vật cho bột cá trong thức ăn thủy sản. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực đang đè nặng lên nguồn cá trong tự nhiên mà còn giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài nguyên thực vật có sẵn.

Mặc dù nguồn nguyên liệu thực vật có những hạn chế về dinh dưỡng và hương vị so với bột cá truyền thống, nhưng thông qua việc áp dụng các biện pháp xử lý như ngâm, nấu, xử lý hóa học và sử dụng enzyme ngoại sinh, các nghiên cứu đã chứng minh rằng protein thực vật hoàn toàn có thể thay thế hoặc thậm chí chỉ cần thay một phần bột cá trong chế độ ăn uống cho động vật nuôi.

Tóm lại, triển vọng thay thế nguồn nguyên liệu thực vật cho bột cá đang mở ra hướng phát triển quan trọng, mang lại lợi ích về kinh tế hơn cho người nuôi trồng thủy sản và cải thiện môi trường biển. Và đặc biệt trong quá trình nuôi, Người nuôi cần chú trọng lựa chọn những loại thức ăn có độ đạm phù hợp với từng loài và từng giai đoạn phát triển để đảm bảo dinh dưỡng phát triển và tăng trưởng tốt nhất.

Đăng ngày 25/08/2023
Anyn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *